Chú Giải Tin Mừng Chúa Nhật Tuần XXII Mùa Thường Niên - Năm B (Mc 7,1-8.14-15.21-23) | Giáo Phận Phú Cường

CHÚ GIẢI TIN MỪNG
CHÚA NHẬT TUẦN XXII MÙA THƯỜNG NIÊN - NĂM B
TIN MỪNG: Mc 7,1-8.14-15.21-23

Noel Quesson - Chú Giải

Có những người Pharisêu, và một số kinh sư tụ họp quanh Đức Kitô. Họ là những người từ Giêrusalem đến.

Đối với Máccô, nơi chốn luôn có một giá trị biểu tượng Giêrusalem là nơi chống đối Đức Giêsu. Qua mười một chương đầu của Tin Mừng trong suốt phần đầu của sứ vụ Đức Giêsu, mỗi lần kể tên thành phố này là nhắc đến sự chống đối: Chính từ Giêrusalem, Thủ đô chính trị và tôn giáo này, đã xuất phát mọi cuộc công kích đầy ác ý. Chính nơi đó, những nhà hữu trách của đất nước sau này sẽ kết án tử hình Chúa, và giao nộp Chúa cho dân ngoại.

Lạy Chúa, đây là mầu nhiệm việc loài Người ruồng bỏ Chúa. Và theo đó, Giêrusalem cũng tượng trưng cho toàn thế giới.

Họ thấy vài môn đệ của Người dùng bữa mà tay còn ô uế, nghĩa là chưa rửa hay. Thật "vậy, người Pharisêu cũng như mọi người Do Thái đều giữ truyền thống của tiền nhân: Họ không ăn gì, trước khi chưa rửa tay cẩn thận, một thức gì mua ngoài chợ về, cũng phải rảy nước đã rồi mới ăn. Họ còn nhiều tập tục khác nữa như rửa chén bát, bình lọ và các đồ đồng".

Đây là vấn đề không phải chỉ là vệ sinh, mà là tập tục Tôn giáo về "sạch" và "nhơ", được ghi thành luật của Môsê trong sách Lê vi (11), được thêm vào nhiều chi tiết và quy định qua truyền thống. Người Pharisêu đã thành lập một thứ đảng phái tôn giáo mà chúng ta có thể lầm lẫn nếu tự động xem họ như những người giả hình. Ngược lại, để trung thành với lề luật tổ tiên, họ tuân giữ kỹ lưỡng từng chi tiết truyền thống: Họ đã kê ra hơn 600 giới răn phải tuân giữ! Để tìm hiểu sự thánh thiện và thể hiện tình yêu tinh tế đối với Chúa, lúc nào trong ngày họ cũng nghĩ về Chúa, dù phải làm đủ thứ việc.

Vậy người Pharisêu và Kinh sư chất vấn Đức Giêsu: "Sao môn đệ của ông không theo truyền thống của tiền nhân?".

Có nhiều cách giải thích cho thái độ này:

1. Môn đệ của Đức Giêsu và chính Đức Giêsu, là những người xứ Galilê, những người thuộc tỉnh lẻ, dù vẫn là những

tín hữu sốt sắng, nhưng đã cho chen vào tục lệ chung một vài truyền thống địa phương bị những người "trong sạch" ở Giêrusalem coi như những thái độ buông thả. Chúng ta biết rằng Đức Giêsu thường bênh vực những người bị đặt ra "ngoài lề", những người bị khinh chê: Đó là loại người tội lỗi thu thuế, gái điếm. Đức Giêsu đã bày tỏ quan điểm mạnh mẽ về lòng xót thương và độ lượng với những kẻ hèn mọn, nghèo khổ... nghịch lại thái độ xét đoán khắt khe của Giêrusalem. Còn chúng ta thì sao?

2. Nhưng có một lý do khác, có lẽ quyết định hơn:

Đó là Đức Giêsu có một đường hướng sâu sắc về "tính phổ quát”. Người huấn luyện dần dần các môn đệ để thành thừa sai trong những quốc gia có văn hóa khác với môi trường Do Thái cổ truyền: Những khuôn khổ chật hẹp và rất cá biệt của đạo Do Thái cần phải bung ra, để chỉ còn giữ những điều cốt yếu, nhằm cho người ngoại giáo có thiện chí, không có những tục lệ về ăn uống như người Do Thái, có thể đón nhận đức tin.

Lạy Chúa, xin dạy chúng con biết phân biệt những gì là cốt yếu trong sứ điệp của Chúa với những gì là tục lệ cổ truyền của những thế kỷ trước, thường làm cho những người thuộc thời đại chúng con chán ngán một cách vô lý. Lạy Chúa, sống giữa thời đại biến đổi văn hóa này, xin cho chúng con nhận biết những gì là bất di bất dịch và những gì phải thay đổi, để cho hậu thế không bị nhũng lại trước đức tin, chỉ vì chúng con quá ràng buộc họ vào những "tập tục người xưa".

3. Nhưng lát nữa, Đức Giêsu còn đưa ra một lý do thứ ba cho thái độ mới mà Người đề cao: Đó là những "tục lệ” không phải do Chúa, mà phát sinh từ con người của những thời trước. Vậy, những tập tục này cần phải tùy thuộc vào sự tiến hóa.

Người trả lời họ: "Ngôn sứ I-sai-a thật đã nói tiên tri rất đúng về các ông là những kẻ giả hình, khi viết rằng: “Thiên Chúa phán: Dân này tôn kính Ta bằng môi bằng miệng. Còn lòng chúng thì lại xa Ta.

Chúng có thờ Ta thì cũng vô ích vì giáo lý chúng giảng dạy chỉ là giới luật phàm nhân".

Câu trả lời của Chúa thật là mạnh mẽ. Người bắt đầu tấn công. Người dựa trên Kinh thánh để trả lời cho những kẻ tấn công môn đệ của Người (Is 29,13). Các ngôn sứ cũng thường lên án thứ tôn giáo duy hình thức đó. Đối với Thiên Chúa, không phải những cử chỉ bên ngoài là quan trọng, mà là "tấm lòng". Thờ phượng chỉ để thờ phượng, thì không có giá trị. Việc phụng tự phải nói lên những xác tín sâu xa.

Sau đó Đức Giêsu lại kêu gọi đám đông mà bảo: "Các ngươi hãy nghe Ta, và hãy hiểu rõ".

Đức Giêsu kêu gọi, cần phải hiểu biết và suy tư. Không cần phải lặp lại những cử chỉ hay tập tục, chỉ vì người ta đã làm như vậy từ lâu.

Không có cái gì từ bên ngoài vào trong con người, lại có thể làm cho con người ra ô uế được nhưng cái gì từ con người xuất ra, mới làm cho con người ra ô uế.

Trong Do Thái giáo, luật về sự Thanh Sạch theo nghi thức có nhiều ảnh hưởng đối với chế độ ăn uống: Cấm ăn thịt một số động vật, chẳng hạn theo sách Lêvi 11. thì bất cứ thịt nào cũng là dơ bẩn, hay những con thú không bị cắt tiết (Lc 17,10-14). Những quy định này làm cho sự đồng bàn đồng tịch giữa người Do Thái và không phải Do Thái không thể nào thực hiện được, nếu không chấp nhận theo tục lệ người Do Thái. Đó là một thứ rào cản để bảo vệ Người Do Thái không được tiếp cận với thế giới ngoại đạo. Còn Đức Giêsu thì tuyên bố: "Tất cả các thức ăn đều thanh sạch" (Mc 7,19). Quan điểm này lúc bấy giờ có vẻ cực kỳ lạ lùng, táo bạo, và phóng khoáng. Như ngày nay chúng ta vẫn thường nói. Chúng ta biết rằng, trong Giáo Hội sơ khai, vấn đề này chưa được giải quyết (Cv 10,15).

Vì từ bên trong, từ lòng người, phát xuất những ý định xấu.

Yếu tố làm cho con người ra nhơ bẩn thực sự, không phải cái người ta ăn, mà là điều người ta nghĩ. Sự nhơ bẩn không nằm trong vật chất bên ngoài của một hành vi nào đó mà là trong lòng chúng ta? ở đây, Đức Giêsu đưa vào luân lý một nguyên tắc hết sức cốt yếu, nhưng không được tâm trí người thời nay áp dụng thực sự: Có những kiêng kỵ vẫn còn tồn tại, là rất trái ngược với Tin Mừng. Hai hướng tinh thần giáo phái "Cathare" vẫn tồn tại. Giáo phái này lên án thân xác và vật chất. Nhưng Kitô hữu đầu tiên hẳn là đã phải chiến đấu chống lại Ngộ đạo thuyết và thuyết "Ma-nét" là nhưng chủ thuyết khinh bỉ phái tính: “Tất cả những gì Chúa đã dựng nên đều là tốt và không có gì là độc hại nếu ta đón nhận những điều đó trong thái độ tạ ơn".

Thánh Phaolô đã nói như vậy (1 Tm 4,4). Chúng ta cần ghi nhận rằng, Đức Giêsu không vì thế mà cố biện minh cho chứ quan thuyết có lẽ sẽ làm mất bản chất tư tưởng của Chúa, nếu hiểu những lời này như là một sự biện minh cho chủ trương "tự do phong tục": Nghĩa là mỗi người có quyền làm những gì theo tiếng nói con tim! Đức Giêsu không loại tự ý niệm về "điều xấu”. Người xác định vị trí điều xấu đó ngay bên trong con người, trong sự thiếu tình thương. Đó là nguyên tắc căn bản của mọi thứ đạo đức mọi nền luân lý không phải sơ đẳng: Chỉ cần làm một cử chỉ nào là tự động phạm một tội thì chưa đủ. Cái xấu không phải ở trong sự vật, nó ở bên trong chúng ta. Vâng, tâm hồn chúng ta là nguồn phát sinh ra thứ nước ô nhiễm do lòng ích kỷ hãy nước trong sạch do tình yêu của chúng ta. Do đó chúng ta không thể xét đoán Người anh em theo bề ngoài, vì chúng ta không thấy được tâm hồn người ấy, lương tâm người ấy.

Từ bên trong, từ lòng người, phát xuất những ý định xấu: Tà dâm, trộm cắp, giết người, ngoại tình, tham lam, độc ác, xảo trá, trác táng, ganh tị, phỉ báng, kiêu ngạo, ngông cuồng.

Đây là danh mục duy nhất về tội lỗi mà Chúa Kitô đã cho chúng ta biết, ngang qua đời sống của cộng đoàn Kitô hữu sơ khai. Tất cả những tội lỗi này liên quan đến tình yêu, đến tha nhân. Đức Giêsu kể ra 4 nhóm mỗi nhóm 3 tật xấu. Trong tiếng Hy Lạp 6 tật xấu đầu tiên được nói theo số nhiều và 6 tật xấu sau được nói theo số ít. Điều đó chỉ nhằm giúp dễ đọc để dễ thuộc lòng. Vậy thì có 12 tội: Con số của sự sung mãn. Tất cả đều ở đấy. Chúng ta phải thương yêu. Chúng ta sẽ bị xét đoán dựa theo tình yêu và tấm lòng của chúng ta (Mt 25).

Rất có thể con người ngày nay không thích kể ra những tật xấu. Thời đại của chúng ta đã đánh mất quá lớn ý thức về một điều cốt yếu trong mọi nền văn minh cổ đại: Đó là vẻ đẹp của đức tính và cái xấu của tội lỗi. Chúng ta cần lưu ý rằng, luân lý của Đức Giêsu là một thứ luân lý phổ quát biết bao! Đức Giêsu biết rõ lòng người. Đó là luân lý căn bản tự nhiên nhất mà Đức Giêsu đặt lại thành giá trị vượt lên trên những tập tục riêng của một nền văn minh. Không có một tục lệ quốc gia nào, một tập truyền tổ tiên nào có thể đi ngược lại những luật căn bản này mà mọi người đều phải công nhận trong thâm tâm của mình.

Hỡi người anh em, không nên lướt đọc quá nhanh danh mục trên, như nó không liên quan gì đến bạn. Bạn hãy tự hỏi sự tham lam, độc ác, xảo trá, ganh tị, kiêu ngạo, ngông cuồng đã mang một hình thức rõ rệt nào, hay đội lốt gì đối với bạn?

Lạy Chúa, xin hãy thanh tẩy chúng con và giúp chúng con được gần Chúa hơn.

 

Giáo phận Nha Trang - Chú Giải

"Chúng con sẽ đi đến với ai? Thầy mới có những lời ban sự sống"

BÀI TIN MỪNG: Ga 6, 61 - 70

1. Ý CHÍNH:

Bài Tin Mừng hôm nay là phần cuối trong bài giảng của Chúa Giêsu về Bánh Hằng Sống. Phần này nói đến những phản ứng của cử tọa khi nghe bài giảng này.

2. SUY NIỆM:

1/ "Có nhiều môn đệ của Chúa Giêsu":

Trong số cử tọa nghe giảng về Bánh Hằng Sống, ngoài số đông dân chúng, còn có một số môn đệ và 12 tông đồ. Môn đệ là những người đi theo Chúa nhưng không phải là người Chúa chọn để ban quyền phép như các tông đồ. Ở đây thánh sử Gioan nói đến phản ứng của các môn đệ và các tông đồ.

2/ "Lời này chói tai quá, ai nghe được?":

Các môn đệ tuy được sống gần Chúa Giêsu hơn dân chúng, nhưng cũng có phản ứng như dân chúng (Ga 6, 52) chứng tỏ họ cũng hiểu Lời Chúa giảng về Bánh Hằng Sống hoàn toàn theo nghĩa vật chất, nên họ cho là chói tai, họ lẩm bẩm và vấp phạm.

3/ "Điều đó làm các ngươi khó chịu ư? ":

Chúa Giêsu biết rõ các môn đệ này đang kêu trách vì:

* Người tự xưng là Bánh Hằng Sống đang khi họ biết cha ông của họ đã ăn Manna và đã chết (Ga 6, 49).

* Người tự xưng từ trời xuống, đang khi họ biết rõ tông tích của Người là " Con của Giuse " (Ga 6, 42).

* Người tự xưng " Thịt Ta thật là của ăn và Máu Ta thật là của uống " (Ga 6, 55) đang khi có luật cấm không được uống máu loài vật (Lv 17, 10; Cv 15, 20). Lý do các môn đệ này kêu trách vì họ không tin nhận nguồn gốc thần linh của Chúa Giêsu.

4/ "Vậy nếu các ngươi thấy Con Người lên nơi đã ở trước thì sao?":

Vì vậy ở đây Chúa Giêsu hứa sẽ cho môn đệ một chứng lý để tin sứ mệnh Người và tin lời Người mới giảng. Chứng lý này chính là việc Người sẽ lên trời, nơi Người đã từ đó mà xuống. Bây giờ các ông vấp ngã, không tin lời Người, nhưng đến lúc xem thấy Người sống như thần linh (Sau phục sinh) và lên trời, các ông sẽ không vấp ngã nữa và sẽ tin Người.

5/ "Chính thần trí mới làm cho sống chứ xác thịt nào có ích gì?":

Ở đây muốn nói huyết nhục tự mình chẳng có giá trị gì cho sự sống đời đời, nhưng huyết nhục của Ta nuôi sống được linh hồn các ngươi và cho xác các ngươi sống lại và sống mãi mãi vì nó hợp với thần linh của Thiên Chúa. Bởi đó, thần linh chính là cái làm cho sống, còn nhục thể chẳng được sự gì cho sự sống đời đời.

6/ "Những lời Ta nói với các ngươi là Thần Trí và là Sự sống":

- Là Thần Trí vì đó là Lời của Thiên Chúa nói với loài người.

- Là Sự Sống vì Lời đó có thần lực ban sự sống.

Ở đây Chúa muốn nói: Lời Chúa cũng là sự sống vì Lời Chúa giảng dạy về Bánh Hằng Sống sẽ đưa ta đến chỗ sống đời đời. Tức là đem lại hiệu quả thiêng liêng. Vì vậy nếu ta tin và thi hành Lời Chúa, linh hồn ta sẽ sống đời đời và xác ta cũng sẽ được Chúa cho sống lại để sống mãi mãi với linh hồn.

7/ "Vì từ đầu Chúa Giêsu đã biết ai là những kẻ không tin và không chịu tin và kẻ nào sẽ nộp Người":

Chúa Giêsu đã thấy trước sự cứng lòng tin của các môn đệ và đồng thời người biết trước kẻ nộp người.

Kiểu nói " từ đầu " Chúa Giêsu đã biết Giuđa là kẻ nộp người. không có nghĩa là biết trước khi chọn ông nhưng là biết sau khi sống với ông một thời gian. Hiểu như vậy chúng ta mới nhận ra quyền sử dụng tự do của Giuđa và việc Chúa tôn trọng quyền tự do của con người chọn hay từ chối Chúa.

8/ "Bởi đó... không ai có thể đến với Ta nếu không được Cha ta ban cho":

Chúa Giêsu muốn nhắc lại điều Người đã giảng ở trên (Ga 6, 44 - 45). Phải có Thiên Chúa lôi kéo mới được đức tin và người ta không được đặt trở lực vì sự cố chấp hay tự mãn của mình. Chúa Giêsu giảng dạy rõ ràng như thế mà còn nhiều môn đệ không hiểu và bỏ Người " Có những môn đệ rút lui ".

9/ "Cả chúng con nữa, chúng con có muốn bỏ đi không?":

Sau khi thấy phản ứng cứng lòng của các môn đệ Chúa Giêsu quay sang nói với 12 tông đồ để xem các ông phản ứng ra sao ở đây cho thấy Chúa đặt câu hỏi này là để mở dịp cho Phêrô biết nhân danh tông đồ đoàn mà tuyên xưng lòng tin vào Chúa Giêsu. Như vậy chứng tỏ Chúa Giêsu đòi hỏi các ông phải tỏ thái độ dứt khoát: Tin hay không tin đối với Người.

10/ "Lạy Thầy, bỏ Thầy chúng con sẽ đi theo ai?":

Phêrô thi hành nhiệm vụ thủ lãnh, nói thay tất cả anh em để bày tỏ niềm tin vào Thầy mình:

+ Thầy mới có lời ban sự sống đời đời: Phêrô tỏ thái độ dứt khoát theo Chúa là vì chẳng có ai hơn Thầy. Chính Thầy mới là Người chúng con sẵn sàng bỏ mọi sự để theo. Vì Thầy xứng đáng là Người có những lời giảng dạy đem lại sự sống thần linh cho những ai nghe và đón nhận.

+ Thầy là Đấng Kitô Con Thiên Chúa: Phêrô có thái độ dứt khoát như vậy là vì ông đã có ơn nhận biết và xác tín rằng Chúa Giêsu là Đấng Cứu Thế Chúa Cha sai xuống trần gian: Tức là Phêrô tín thác vào thần linh của Chúa Giêsu.

Ở đây cho chúng ta thấy các tông đồ cũng nghe những mà các môn đệ cho là chói tai, nhưng các ông không vấp phạm mà còn cảm thấy không thể bỏ Thầy được, vì các ông tin Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa (Tin vào thần linh của Chúa Giêsu). Chúng ta cũng liên tưởng đến lần khác Cesarê và Philipphê, phêrô cũng đã tuyên xưng: " Thầy là Đấng Ki tô " (Mc 8, 29).

III. ÁP DỤNG:

A/ Áp dụng theo Tin Mừng:

Qua bài Tin Mừng hôm nay, Giáo Hội muốn chúng ta chứng kiến thái độ từ chối của các môn đệ và thái độ tin nhận của các tông đồ để chúng ta kiểm điểm lại thái độ đức tin của chúng ta đối với Chúa, nhất là đối với những lời Chúa dạy trong Thánh Kinh.

B/ Áp dụng thực hành:

1/ Nhìn vào Chúa Giêsu:

a/ Xem việc Người là:

* "Vì từ đầu Chúa Giêsu đã biết... kẻ nào nộp Người ": biết trước Giuđa sẽ nộp Người, nhưng Người vẫn bình tĩnh, không bực tức oán thù không xua đuổi khai trừ mà vẫn thản nhiên thi hành nhiệm vụ giảng dạy cho Giuđa cũng như các tông đồ khác.

Chúng ta cũng cần noi gương Chúa để lấy bình tĩnh mà sống bình thường, tương giao tốt với kẻ thù, với người đang sấu với mình, hoặc với những người mình không ưa, không thích... vì đó là dấu chỉ người môn đệ của Chúa Giêsu.

b/ Nghe lời Người nói:

* "Điều đó làm các ngươi khó chịu ư?": Chúa cũng nói với ta điều này khi ta chưa can đảm bỏ mình để sống Lời Chúa, hoặc khi ta lấy làm khổ cực khó khăn vì sống tinh thần Tin Mừng.

* "Nhưng lời Ta nói với các ngươi là thần trí và là sự sống": nếu chúng ta tin, cậy, mến Chúa cách thành thật, chúng ta sẽ cảm nghiệm Lời Chúa là thần lực có sức ban sự sống và như vậy chúng ta cảm mến Lời Chúa và sẵn sàng đón nhận Lời Chúa và thực hành Lời Chúa mỗi ngày. Chúa nói lời này, chúng ta có tin như vậy không? nếu tin chúng ta thực hành lời Chúa thì sẽ cảm nghiệm được Lời Chúa là thần trí và là sự sống.

* "Cả chúng con, chúng con có muốn bỏ đi không?" sống giữa một xã hội đầy rẫy những sự phản nghịch tinh thần của Chúa thì Lời Chúa nói đây cũng là nói với mỗi người chúng ta để đòi hỏi phải dứt khoát chọn lựa: sống theo tinh thần của Chúa hay sống theo tinh thần thế gian.

2/ Nhìn vào các môn đệ bỏ Chúa:

+ "Lời này chói tai quá, ai nghe được": chúng ta cũng cảm thấy chói tai khi chúng ta thấy Lời Chúa khác với ý nghĩ, sở thích của mình, hoặc ngược với điều mình muốn. Nếu cứ tiếp tục như vậy, sẽ có lúc ta phản lại Lời Chúa và bỏ Chúa nữa.

+ Có nhiều môn đệ rút lui không còn theo Người nữa:

* Khi chúng ta không hiểu Lời Chúa theo ý của Chúa, chúng ta sẽ thấy Lời Chúa khô khan, không hấp dẫn, và như vậy sẽ dễ rút lui, bỏ việc đọc, học, suy niệm và sống Lời Chúa.

* Người ta sống với nhau hay sinh ra trục trặc với nhau chỉ vì không hiểu nhau. Các môn đệ bỏ Chúa vì không hiểu Chúa nói, chúng ta ở xa Chúa không tha thiết gắn bó với Chúa chỉ vì chúng ta không cố gắng học biết về Chúa và thông hiểu Lời Chúa mỗi ngày.

3/ Nhìn vào các tông đồ mà Phêrô là đại diện:

+ Lạy Thầy chúng con sẽ đi theo ai?

Những lúc gặp thử thách, gặp gương xấu, gặp những quyến rũ của thói đời... chúng ta phải ngước nhìn lên Chúa và thưa với Chúa: Lạy Chúa chúng con biết theo ai? vì Thầy mới có những lời ban sự sống đời đời. Rồi chúng ta mở Tin Mừng đọc và suy niệm, Lời Chúa sẽ soi sáng, hướng dẫn và nâng đỡ ta.

+ Thầy Đấng Kitô Con Thiên Chúa: chúng ta là tông đồ của Chúa, chúng ta phải biết tuyên xưng Chúa Kitô trong cuộc sống.

+ Tin Chúa Kitô là Thiên Chúa nhập thể để sống noi gương Người và vâng lời Người. Tin Chúa Kitô là Đấng Cứu chuộc ta để cảm mến và tạ ơn Người.

+ Tin Chúa Kitô là Thiên Chúa, để thờ lạy ngợi khen Người và sống đẹp lòng Người hơn.

©2020 - GIÁO XỨ HƯNG VĂN. All rights reserved.